Hệ thống nước đô thị thường có 6 giai đoạn gồm: nguồn, xử lý, phân phối, thu gom, xử lý nước thải và hệ thống nước mưa.
Nguồn nước
Hệ thống nước đô thị được lấy từ nước bề mặt, gồm: sông, hồ… và các tầng chứa nước ngầm. Nước mưa là một phần của cả nước nguồn bề mặt và ngầm. Một lượng nước mưa lớn sẽ được trái đất hấp thụ và thấm xuống các tầng chứa nước ngầm hoặc theo các mương dẫn chảy đến sông suối, hồ, đại dương.
Ở các khu vực đô thị, nơi mặt đất được bao phủ bởi các bề mặt kín như đường xá, bãi đậu xe, tòa nhà… Do đó, hệ thống thoát nước mưa ngăn chặn lũ lụt cho các công trình và cơ sở kinh doanh bằng cách thu gom nước trong các cống thoát nước mưa và đưa ra nước nguồn bề mặt.
Nước mưa không được xử lý trước khi thải ra môi trường. Như vậy, các chất gây ô nhiễm, sạn… có thể trôi vào hệ thống và tác động đến con người, cá và các động vật hoang dã khác.
Để các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh có thể sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, nước nguồn cần qua nhiều bước xử lý đảm bảo an toàn.
Xử lý nước
Tùy theo chất lượng nguồn nước, cơ quan quản lý sẽ có phương thức phù hợp. Thông đường, quy trình xử lý bao gồm các bước sau: Đầu tiên là đông tụ. Trong quá trình này, các hóa chất mang điện tích dương được thêm vào nước nhằm trung hòa điện tích âm của bụi bẩn và các phần tử hòa tan khác. Khi đó, các hạt liên kết với hóa chất để tạo thành các hạt lớn hơn. Các hóa chất được sử dụng phổ biến trong bước này thường là các loại muối, nhôm hoặc sắt.
Bước thứ hai là keo tụ, tức tạo thành các hạt lớn hơn, nặng hơn (hay còn gọi là bông cặn). Thông thường, các nhà máy xử lý nước sẽ thêm các hóa chất bổ sung trong bước này để thúc đẩy hình thành bông cặn. Sau đó, nước được mang đi lắng để tách các chất rắn. Trong quá trình này, các bông cặn lắng xuống đáy do nặng hơn nước.
Bước tiếp theo, khi các bông cặn đã lắng xuống đáy nước, phần nước trong ở trên được lọc để tách các chất rắn bổ sung. Lúc này, nước trong sẽ đi qua các bộ lọc có kích thước lỗ khác nhau được làm từ như cát, sỏi hay than để loại bỏ các hạt hòa tan và vi khuẩn, bụi, hóa chất…. Bộ lọc than hoạt tính cũng giúp khử mùi hôi.
Cuối cùng, trước khi phân phối nước, các nhà máy thực hiện khử trùng bằng hóa chất như clo, cloramin hoặc clo dioxide để tiêu diệt bất kỳ ký sinh trùng, vi khuẩn hoặc virus nào còn sót lại. Để giữ nước an toàn khi đến hộ gia đình và cơ sở kinh doanh, hàm lượng chất khử trùng hóa học được đảm bảo ở mức thấp. Chất khử trùng còn lại này sẽ tiêu diệt vi trùng sống trong các đường ống giữa nhà máy xử lý nước và hệ thống nước dân cư. Ngoài ra, bước này có thể thực hiện bằng tia cực tím (UV) hoặc ozone.
Hệ thống thu gom và xử lý nước thải
Nước đã sử dụng thông qua đường ống thoát nước đến các công trình xử lý. Tại đây, nhà máy sẽ thực hiện xử lý trước khi thải ra môi trường. Phương pháp xử lý phụ thuộc vào các loại chất gây ô nhiễm, môi trường tiếp nhận nước thải…
Thông thường, công tác xử lý nước thải đô thị gồm bốn giai đoạn. Nước thải thô được xử lý sơ bộ nhằm loại bỏ các loại sạn như cát, sỏi, vỏ trứng, bã cà phê… Sau đó, nhà máy giữ nước thải tạm thời để cho chất rắn chìm xuống đáy và dầu mỡ nổi lên trên. Các chất lắng và nổi được bỏ đi, chất lỏng còn lại được chuyển sang giai đoạn sau.
Bước thứ ba, nhà máy thực hiện khử các chất sinh học hòa tan và lơ lửng. Phần chất lỏng còn lại tiếp tục chuyển sang quy trình xử lý tiếp theo. Cuối cùng, nước được làm sạch bằng hóa chất và lọc trước khi thải ra môi trường.
Nhật Lệ – Vnexpress